Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Món ăn tốt cho người bệnh trĩ

Khi bị trĩ, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng: chảy máu gây thiếu máu trầm trọng, sa trĩ gây sưng vù, chảy máu, bầm tím, nghẹt hậu môn rất khó chịu.

Trĩ là bệnh phổ biến hàng đầu trong các bệnh lý liên quan đến đường hậu môn. Bệnh này chủ yếu do dãn quá mức các đám rối tĩnh mạch hậu môn, trực tràng.

Dễ biến chứng nặng

Bệnh trĩ được chia thành các loại trĩ ngoại, trĩ nội và trĩ hỗn hợp. Trĩ hỗn hợp thường xảy ra do các nguyên nhân như thành tĩnh mạch mỏng, không tiết chế ăn uống, nội nhiệt chạy xuống phía dưới bức ép đại tràng; ngồi lâu, gánh nặng, đi đường xa khiến máu không thông suốt. Bệnh có thể dẫn đến nhiễm trùng trĩ, nghẽn mạch (cục máu đông trong túi búi trĩ), sa và nghẽn các búi trĩ, rò hậu môn. Bệnh càng kéo dài càng gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Khi bị trĩ, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng: chảy máu gây thiếu máu trầm trọng; sa trĩ, tức là trĩ lòi ra ngoài thành búi hoặc thành vòng gây sưng vù, chảy máu, bầm tím, nghẹt hậu môn rất khó chịu; trĩ bị tắc nghẽn do cục máu đông tụ lại làm búi trĩ sưng to rất đau, căng bóng; trĩ bị viêm nhiễm làm nóng rát, ngứa ngáy, khó chịu ở hậu môn, khám thấy búi trĩ phù nề sưng to.

Món ăn chữa bệnh trĩ

Nhiều cách chữa trị

Hiện nay, có nhiều phương pháp chữa bệnh trĩ như phẫu thuật, cột thắt búi trĩ, dùng thuốc. Với đông y, thường sử dụng thạch tín thoa hay chích vào búi trĩ gây hoại tử. Phương pháp này tuy mang lại một số kết quả song thường để lại di chứng hẹp hậu môn. Mặt khác, việc pha chế liều lượng thạch tín không đúng cũng dễ dẫn đến hoại tử búi trĩ quá mạnh, có khi gây chảy máu ào ạt và đau đớn. Người bệnh trĩ cần kiêng ăn thức cay, nóng, kích thích; tăng cường ăn rau quả có nhiều chất xơ để tránh táo bón.
Với người mắc bệnh trĩ, cần sử dụng các món ăn là dược thiện sau đây để hỗ trợ điều trị và dự phòng, vừa hiệu quả mà vừa an toàn:

- Mộc nhĩ đen nấu táo đỏ: Nguyên liệu gồm 15 g mộc nhĩ đen, 20 quả táo đỏ. Cho mộc nhĩ đen và táo đỏ vào nồi đất, nấu chín với lượng nước vừa phải. Mỗi ngày dùng một lần, dùng liền nhiều ngày sẽ có công hiệu dưỡng huyết, hòa huyết, cầm máu.

- Gốc rau dền nấu đại tràng heo: Nguyên liệu gồm 100 g gốc rau dền rửa sạch, xắt khúc;
150 g đại tràng heo. Tất cả cho vào nồi nấu trong 2 giờ với lượng nước vừa phải. Sau đó, gắp gốc rau dền ra, cho thêm lượng muối vừa ăn vào nồi nước rồi ăn xác, uống nước. Đây là món giúp thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng, tiêu viêm.

- Hoa hòe nhồi đại tràng heo: Lấy 20 g hoa hòe nhồi vào đại tràng heo đã rửa sạch, dùng dây buộc chặt hai đầu đại tràng và luộc chín với lượng nước vừa phải, cho thêm gia vị vừa ăn. Món ăn này có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu.

-  Chè nhân sâm hạt sen: Dùng 10 g nhân sâm trắng, 15 g hạt sen, 30 g đường phèn. Cho nhân sâm trắng và hạt sen (đã bỏ tim sen) vào chén, ngâm với lượng nước vừa phải cho nở, thêm đường phèn, hấp cách thủy khoảng 1 giờ. Người bệnh nên dùng đều đặn trong bữa ăn sáng và tối.

Theo Người Lao Động 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét