Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Duyên dáng cùng bánh bà xã

MNCT - Giống như niềm tin đáng yêu của những thanh niên, sau khi đến giúp một đám cưới lại mang đoá hoa cài trên áo về cho cái "duyên" ngày càng được vun bồi thì bánh bà xã cũng được truyền miệng nhau về cái "duyên" của nó.

Trong các tiệc cưới không thể thiếu chiếc bánh cưới. Các cặp uyên ương luôn thực hiện nghi thức cắt bánh cưới, cùng nhau ăn bánh như lời hứa chia sẻ, chăm sóc nhau đến suốt đời. Đó là món bánh cưới xuất phát từ phương Tây đã được nhiều người biết đến.


Những chiếc bánh bà xã

Ngoài ra, mỗi dân tộc đều có những món bánh truyền thống cho dịp lễ quan trọng hàng đầu trong gia đình. Người Việt thì có bánh “phu thê” với tên gọi tượng trưng cho đạo nghĩa, sự hoà hợp vợ chồng và là loại bánh thường được dùng trong dịp cưới hỏi.

Tương tự như người Việt, trong mâm lễ vật dành cho đám cưới của người Hoa cũng có một loại bánh đặc trưng cho ngày trọng đại này, đó là bánh bà xã. Người Quảng Đông ở Chợ Lớn còn gọi bánh bà xã là bánh “cấy chẩy bẻng” có nghĩa là bánh gà con hay đơn giản hơn là bánh xốp.

Bánh có nhiều tên gọi nhưng nguyên liệu làm bánh giống nhau. Lớp bột bao ngoài được làm bằng bột mì cán thành nhiều lớp, khi nướng bánh sẽ nổi xốp lên. Bánh bà xã theo gu Hong Kong thường làm nhân thập cẩm gồm lạp xưởng, mứt bí, mè, đậu phộng, vỏ quít… Ý nghĩa của bánh thể hiện hình ảnh, tính cách của người vợ trong gia đình. Nhân bánh có vị ngọt thể hiện sự ngọt ngào của người vợ. Mè có tính ấm thể hiện sự ấm áp. Lạp xưởng thể hiện sự mặn mà. Vỏ quýt tượng trưng cho sự nồng thắm… Nói chung bánh bà xã thể hiện các tính cách của người vợ đối với chồng lúc nào cũng ngọt ngào, ấm áp, mặn nồng.

Bánh bà xã của Đài Loan thì có hình dáng khác hơn, bánh hình tròn, hơi dẹt, khá lớn, đường kính khoảng 10cm. Nhân bánh đơn giản hơn, chủ yếu làm bằng dừa, mè và đậu phộng. Còn bánh bà xã của người Hoa vùng Chợ Lớn thì giống với bánh Hong Kong, đường kính khoảng 5cm, bánh hơi tròn vun lên; nhân bánh phong phú, ngoài nhân thập cẩm còn có nhân đậu xanh trứng vịt bắc thảo, đậu xanh sầu riêng. Khi nướng chín mặt bánh vàng tươi nhờ lớp trứng phết trên mặt trông giống những chú gà con xinh xắn. Đây cũng là lời chúc phúc, cầu mong con cái đầy đàn cho đôi vợ chồng mới nên được gọi là bánh gà con.

Giống như niềm tin đáng yêu của những thanh niên, sau khi đến giúp một đám cưới lại mang đoá hoa cài trên áo về cho cái “duyên” ngày càng được vun bồi thì bánh bà xã cũng được truyền miệng nhau về cái “duyên” của nó. Khi nhà trai mang bánh sang nhà gái, nếu các cô gái chưa chồng lấy trộm được một cái bánh và “tranh thủ” lỉnh vào một góc không ai thấy, một mình ăn hết cái bánh thì duyên lành sẽ ứng nghiệm ngay sau đó.

Theo SGTT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét