Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Top 5 món nem nổi tiếng trong ẩm thực Việt

MNCT - Người Việt thích ăn món nem. Từ Bắc chí Nam, hầu như vùng miền nào cũng có món nem đặc sản của riêng mình. Hầu như không có một công thức cố định cho món nem, bởi tùy thức ăn và khẩu vị của từng địa phương, từng vùng miền mà hình thành nên món nem.

1. Nem tai Hà Nội

Tai chộn thính, nguyên liệu chính cua món nem tai

Ở Hà Nội, Nem tai được coi là một món ăn vô cùng độc đáo, món ăn này được dùng rất phổ biến trong gia đình, trong các bàn tiệc hay chỉ đơn giản trong những bữa lai dai.

Có người nói nem tai xuất xứ từ Nam Định, được du nhập vào Hà Nội bởi một người con gái, khi lấy chồng ở Ước Lễ (Hà Tây). Đã kết hợp nem tai gia truyền với chả giò và nem chua, hai món đặc sản nổi tiếng của làng Ước Lễ để trở thành một món ăn thơm ngon và có vị rất lạ.

Nem tai Hà Nội

Món nem được người Hà Nội theo dạng cuốn. Một ít lá sung, lá đinh lăng, dải lên bánh đa nem, cho nem tai vào, kèm với một vài miếng sung muối chua, cộng với một lát giò lụa hoặc nem chua. Sau đó cuốn kỹ thành một miếng nhỏ vừa tay cầm, khách ăn sẽ chấm miếng nem tai cuốn vào nước mắm dấm cay nhẹ.

Cảm giác giòn sần sật từ những miếng nem tai, quyện với vị thanh mát, ngon lành từ rau sống, lá sung, chấm đẫm nước mắm được pha chế dìu dịu khiến ai ăn cũng phải nức lòng.

2. Nem mắm Giao Thủy


Nem nắm Giao Thủy được làm từ bì và thịt lợn trộn đều với thính gạo lẫn với các phụ gia khác như tỏi và nước mắm…, rồi nắm trong lá sung và lá đinh lăng.

Nem nắm Giao Thủy (Nam Định) nổi tiếng từ thời nhà Trần. Tương truyền rằng, khi các vua Trần chọn phủ Thiên Trường làm nơi ngự, các làng nghề đã được hình thành. Món nem nắm Giao Thủy cũng được xem là đặc sản dâng vua thời đó.

Để thưởng thức cuốn nem nắm vào chiếc lá sung sần sần, thêm ít rau thơm rồi nhón qua bát nước mắm Sa Châu (xã Giao Châu, huyện Giao Thủy). Thứ nước mắm này cũng rất nổi tiếng, nó được làm theo cách cổ truyền, cá được nấu chín tự nhiên, không qua tẩm ướp, sau chừng 6 tháng mới mang ra vắt lấy nước mắm nguyên chất. Sau đó, mắm lại được phơi nắng nóng rồi cho vào vại sành chôn xuống đất thêm 6 tháng nữa. Vậy là phải mất ngót 1 năm, nước mắm Sa Châu mới được mang ra để ăn với nem nắm.

3. Nem chua Thanh Hóa


Nem chua được xem là món đặc sản của xứ Thanh. Ai đi qua cũng phải nếm thử hương vị lạ của những chiếc nem xinh xắn. Người dân xứ Thanh vào Nam ra Bắc, dù bận trăm công nghìn việc, dù mang vác nặng nề cũng cố đem vài chục chiếc để cho người nhà hoặc biếu người thân.

Nem chua Thanh Hóa được làm từ thịt nạc xay nhuyễn; bì lợn luộc chín, cạo thật sạch, lạng mỏng bỏ vào máy cán thành sợi, ngắn chừng 3cm; thính là gạo tẻ rang vàng, xay nhỏ mịn. Gia giảm còn có men, tiêu bắc, muối tinh và bột ngọt vừa đủ... gói trong lá chuối rồi buộc bằng lạt. Tuỳ theo thời tiết có thể ăn nem, mùa hè thì độ 5 tiếng đã có nem ăn, mùa đông thì 1 đến 2 ngày.

Nem chua Thanh Hoá vừa ngon, vừa rẻ nhưng có điều rất lạ và hay là có thể làm đồ nhắm, cũng có khi ăn với cơm. Tiện hơn cả là ở đâu ta cũng có thể nhấm nháp hương vị hấp dẫn của nó.

4. Nem lụi Huế


Đến Huế mà không ăn nem lụi thì quả là một điều thiếu sót. Rất đơn giản trong cách chế biến, thế nhưng nem lụi đã khiến biết bao nhiêu thực khách phải “ngẩn ngơ lòng” khi thưởng thức. Nguyên liệu để làm nên món nem lụi rất đơn giản: thịt heo đã quết nhuyễn trộn với bì, mỡ heo thái hạt lựu ướp cùng muối, tiêu đường, thính. Sau đó người ta lụi hỗn hợp này vào từng chiếc đũa tre nhỏ và nướng trên bếp than. Mùi vị thơm nức của thịt bốc lên trên từng chiếc đũa tre khiến thực khách “không cầm lòng” nổi.

Nước chấm của món nem lụi này được pha chế rất độc đáo. Đầu tiên, để làm nước chấm, người ta xay nhuyễn đậu phộng, cho thêm một chút nước mắm rồi đun trên bếp thành một hỗn hợp sền sệt giống như tương. Người ta còn cho thêm vào đó gan heo, thịt heo băm nhuyễn để món nước chấm được đậm đà và nhiều hương vị hơn.

Người ta thường ăn kèm nem lụi với bánh tráng, rau thơm, khế chua, chuối xanh, sung… tùy theo khẩu vị mỗi người. Bày nem lụi ra đĩa, bạn sẽ thấy một món ăn đủ màu sắc: màu vàng ươm của miếng thịt đã được nướng, màu xanh của rau, màu nâu của nước chấm, và thêm chút đỏ tươi của vài miếng ớt thái nhuyễn.

Cầm miếng bánh tráng trên tay, lần lượt xếp rau thơm, khế chua, chuối xanh rồi tới nem lụi, cuốn vào và bắt đầu thưởng thức. Món ăn là sự kết hợp hài hòa của các hương vị: mùi thơm của miếng thịt đã nướng vàng, chút cay cay của tiêu và ớt, độ ngọt và bùi bùi của nước chấm sền sệt, vị tươi mát từ rau xanh... Thật ngọt ngào biết bao món nem lụi xứ Huế.

5. Nem nướng Nha Trang


Đặc sản Nha Trang gồm rất nhiều món gắn với hương vị biển, nhưng cũng có những món nghe qua chẳng có gì dính dáng đến biển, trong đó có nem nướng.

Món nem nướng Nha Trang được làm từ nạc đùi loại thật tươi, vừa mới xả thì khi làm nem mới ngon, dẽ và thơm. Thịt vừa xẻ được quết mịn, ướp thêm ít gia vị đậm đà, xiên que rồi nướng trên bếp than hồng cho thịt nem vàng ươm. Sau đó, cuốn với miếng bánh tráng mỏng dai, trong suốt cùng chả ram chiên vàng rộm; ăn kèm với các loại rau sống, rau thơm, khế chua, chuối chát... và chấm với nước tương được chế biến từ hơn 20 loại gia vị theo bí quyết gia truyền.

Hiện nay, tại địa bàn Nha Trang có khoảng hai chục tiệm bán nem phục vụ vào buổi chiều đến tối như các quán nem nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Lợi, Hoàng Văn Thụ, Lê Thành Phương, Trần Đường..., nhưng đông khách hơn cả là quán Đặng Văn Quyên và Ngọc Tiên.

Thu Huyền
YeuDuLich.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét