Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Ngon lạ đặc biệt với món ăn "Phật nhảy tường"

MNCT - Thời gian gần đây, thực đơn của nhiều nhà hàng xuất hiện một món ăn có cái tên nghe khá lạ lùng - "Phật nhảy tường".


Cái tên này gợi trí tò mò của nhiều người. Tuy nhiên, đây lại là món ăn được liệt vào hàng "sơn hào, hải vị" nên giá cả của nó cũng khiến nhiều thực khách "đắng miệng"nếu trót dùng thử mà không hỏi giá trước.

Món ăn khiến thực khách... nhảy dựng

Có lẽ chính vì sự cầu kỳ trong cách chế biến cũng như các thành phần của món ăn đều là đặc sản nên giá của món "Phật nhảy tường" trong các nhà hàng đều thường lên tới tiền triệu, thậm chí có nhà hàng tại Hà Nội tính giá tới 8 triệu đồng cho 1 tô "Phật nhảy tường".

Để chế biến được món ăn này, nhiều đầu bếp cho biết phải mất đến 2 ngày?!

Nguyễn Nam - một chủ doanh nghiệp tại TPHCM chia sẻ: "Tôi nghe nói về món này nên rất tò mò. Mấy ông bạn lại kháo nhau: Đó là món ăn cực kỳ bổ dưỡng. Thế nên, tuần vừa rồi tôi đã đến một nhà hàng ăn thử. Món đó khá ngon và lạ miệng. Tuy nhiên, giá của nó gần 1,3 triệu/ bát".

Món "Phật nhảy tường" có tên tiếng Hán là "Phật khiêu tường" (tức là Phật nhảy qua tường). Ngoài ra, món ăn này còn có nhiều tên gọi khác như bụt leo tường, Phật trèo tường... được tương truyền là món ngon danh tiếng trong ẩm thực của người Phúc Kiến (Trung Quốc), được chế biến cầu kỳ, đòi hỏi nhiều nguyên liệu và gia vị đặc biệt.

Liên quan đến món ăn kỳ lạ này, một câu chuyện được nhiều người truyền khẩu nhất là vào thời nhà Đường (khoảng 1.300 năm về trước), có một vị cao tăng không rõ lai lịch đến vùng đất Phúc Kiến truyền giảng Phật pháp. Bên cạnh ngôi chùa vị cao tăng trú ngụ có một quán ăn, thường phảng phất một mùi thơm rất lạ, làm cho vị cao tăng dậy lên nỗi nhớ phàm trần. Đến một ngày kia, vị cao tăng nọ thật sự không chịu nổi sự cám dỗ bèn nhảy qua bức tường để thưởng thức món ăn và đã vi phạm giới luật. Từ đó, người ta gọi tên món ăn này là Phật nhảy tường.


Tuy nhiên, một giả thuyết khác cho rằng món "Phật nhảy tường" là món ăn truyền thống nổi tiếng của vùng Phúc Châu có lịch sử hơn trăm năm, do ông chủ của quán Tụ Xuân Viên là Trịnh Xuân Phát nghiên cứu ra. Món này tập trung nhiều sơn hào, hải vị như: Vi cá, hải sâm, gà, gân thú, sò hến khô, nấm hương, bào ngư hơn 20 loại nguyên liệu chế biến thành, quy trình chế biến cũng rất kĩ lưỡng. Món này có giá trị dinh dưỡng cao, mùi thơm đậm đà, ăn nhiều không ngán. Quán Tụ Xuân Viên nổi tiếng nhất là món này, giá cả của nó cũng tương đối cao nhưng ban đầu nó mang một cái tên khác hoàn toàn. Truyền thuyết kể rằng, một năm nọ có mấy vị Tú tài ghé quán ngâm thơ làm phú. Ông chủ Trịnh Xuân Phát dọn lên một món do chính tay ông chế biến. Vừa mới mở nắp vung, mùi thơm ngào ngạt cả phòng, mấy vị Tú tài không ngớt vỗ tay khen và ngâm rằng: "Đàm khải huân hương phiêu tứ lân/Phật văn khí thiền khiêu tường lai". Hai câu thơ này tạm được dịch như sau: "Mở nắp vung, mùi thơm bay lừng khắp xóm/Phật ngửi được, liền bỏ chùa nhảy qua tường chạy đến". Từ đó trở đi, món ăn đặc biệt này có tên là "Phật khiêu tường".

Tuy nhiên, với những thành phần là những thức ăn nổi tiếng bổ dưỡng nên món "Phật khiêu tường" khi xuất hiện ở Việt Nam đã được giải thích với hàm ý khác, có phần thô thiển, bất nhã. Theo sự quảng bá của nhiều nhà hàng thì món "Phật nhảy tường" có tác dụng tráng dương, tăng cường sinh lực cho các quý ông. Chính vì thế, khi sử dụng món ăn này, các công dụng đó sẽ khiến ai cũng phải nhảy qua tường để tìm... sung sướng!.

Trên thực tế, nhiều tài liệu cho biết, đây là món ăn bổ dưỡng thông thường có nhiều tác dụng như tăng thể lực, tăng trí nhớ, bảo vệ và tác động lên hệ miễn dịch giúp chống viêm, bảo vệ tế bào chống lão hóa, tăng sức đề kháng cho cơ thể... Những tác dụng này được lý giải là do thành phần chế biến. Ví dụ như hải sâm có giá trị tốt trong việc trị suy nhược thần kinh, bổ thận, nhuận tràng, đặc biệt có tác dụng ức chế tế bào ung thư. Bên cạnh đó, vi cá mập vừa là loại thực phẩm bổ dưỡng cao cấp vừa được coi là thần dược nhờ vào chất Chondroitin có trong sụn vi cá mập thường được chế biến thành những thuốc có tác dụng chữa trị các bệnh về xương khớp, chữa các bệnh về mắt và bồi bổ cơ thể. Thêm một nguyên liệu quý nữa trong "Phật nhảy tường" là bào ngư. Trong bào ngư có chứa, vitamin B1, B2, khoáng chất và nguyên tố vi lượng, chất đạm... Chất đạm từ bào ngư có đủ 19 loại axit amin thiết yếu cho cơ thể ở lượng mức tương đối cao...

Bổ thì có bổ...

Đây là món ăn bổ dưỡng thông thường có nhiều tác dụng như tăng thể lực, tăng trí nhớ, bảo vệ và tác động lên hệ miễn dịch giúp chống viêm, bảo vệ tế bào chống lão hóa, tăng sức đề kháng cho cơ thể... Những tác dụng này được lý giải là do thành phần chế biến.


Món "Phật nhảy tường" không chỉ nổi tiếng vì thơm ngon mà còn nổi tiếng vì giá thành cao và cách chế biến cầu kỳ. Công đoạn chế biến cũng được nhiều nhà hàng quảng cáo khác nhau. Có nơi cho rằng để chế biến món ăn này cần tới 3 ngày, có nơi cho biết cần 2 ngày nhưng cũng có ý kiến cho rằng chỉ cần 2 - 3 tiếng là nấu xong món "Phật nhảy tường". Để tăng thêm phần quan trọng của món ăn, một số nhà hàng yêu cầu khách phải đặt trước ít nhất 1 ngày cho món "Phật nhảy tường".

Một nhà hàng tại Hà Nội quảng cáo về cách nấu món "Phật nhảy tường": "Cách nấu món ăn này khá cầu kỳ, cần tối thiểu hai ngày mới xong. Món Phật nhảy tường phải có ít nhất 7 loại nguyên liệu chính thuộc vào hàng sơn hào hải vị danh giá như vi cá, bào ngư, sò điệp, gân nai, bong bóng cá, hải sâm, nhân sâm. Nguyên liệu phụ có thêm trên 20 thứ khác nữa như nấm đông cô, măng... Ngoài ra, một phụ liệu không thể thiếu chính là rượu Thiệu Hưng, một loại rượu gạo của Trung Quốc, được dùng để ướp nguyên liệu cho dậy hương...".

Hầu hết các nhà hàng có bán món "Phật nhảy tường" đều cho biết có những thành phần cố định như bào ngư, vi cá mập, hải sâm, nhân sâm... Tuy nhiên, các thành phần khác có thể thay đổi như gân nai thành gân lợn, nấm đông cô thành nấm hương...

Có lẽ chính vì sự cầu kỳ trong cách chế biến cũng như các thành phần của món ăn đều là đặc sản nên giá của món "Phật nhảy tường" trong các nhà hàng đều thường lên tới tiền triệu, thậm chí có nhà hàng tại Hà Nội tính giá tới 8 triệu đồng cho 1 tô "Phật nhảy tường".

Tuy nhiên, "ăn theo" món "Phật nhảy tường" chính thống, một số nhà hàng đã thay thế các thành phần chế biến món ăn bằng các nguyên liệu tương tự nhưng rẻ tiền hơn để bán với giá thành thấp hơn phục vụ nhu cầu của nhiều thực khách tò mò và ưa thích những món ăn có tên lạ lẫm.

Theo Gia đình

0 nhận xét:

Đăng nhận xét